Các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh
Trong quá trình mang thai, rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới mẹ và thai nhi. Do đó để đảm bảo sức khỏe của cả mẹ và bé, thì mẹ không nên bỏ qua các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh. Mẹ hãy cùng GENVIET tìm hiểu thêm qua bài viết dưới đây nhé!
1. Tại sao mẹ cần làm các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh?
Khi mang thai, các mẹ bầu phải làm rất nhiều loại xét nghiệm khác nhau trước khi em bé chào đời. Kết quả xét nghiệm sẽ cung cấp thông tin quan trọng cho mẹ và bác sĩ về sức khỏe thai kỳ, cũng như giúp mẹ bầu quản lý theo dõi thai kỳ của mình hiệu quả hơn. Cụ thể như:
– Kiểm tra các thông tin và bệnh lý về huyết sắc tố bao gồm nhóm máu, yếu tố RH, tình trạng thiếu máu, thiếu sắt… Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn mẹ bầu nên điều trị hoặc bổ sung các dưỡng chất cần thiết để cải thiện tình trạng tốt hơn cho thai kỳ.
– Kiểm tra xem mẹ bầu có mắc phải bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào thông qua đường tình dục hay bệnh sởi hoặc viêm gan hay không.
– Kiểm tra mức độ ổn định tuyến giáp của người mẹ để không làm ảnh hưởng đến hoocmon tuyến giáp của thai nhi
– Kiểm tra chỉ số đường huyết của thai phụ, nhất là trong 3 tháng cuối thai kỳ để phòng tránh các biến chứng nguy hiểm của tiểu đường thai kỳ kịp thời.
– Tầm soát nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi thông qua xét nghiệm sàng lọc trước sinh.
2. Các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh
Để mẹ có một sức khỏe tốt nhất trong quá trình mang thai và em bé chào đời một cách thuận lợi nhất cũng như giúp mẹ vượt cạn an toàn, thành công. Dưới đây là các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh mà mẹ nên tham khảo.
Xét nghiệm máu
Đây được xem là xét nghiệm bắt buộc và quan trọng hàng đầu mà mẹ cần thực hiện. Xét nghiệm máu sẽ kiểm tra các chỉ số hemoglobin, hematocrit và số lượng tiểu cầu. Dựa vào các chỉ số này, bác sĩ có thể đánh giá được một số tình trạng của mẹ như thiếu sắt, thiếu máu để mẹ bổ sung kịp thời, nhằm đảm bảo sự phát triển của thai. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn kiểm tra các bệnh lý rối loạn chức năng gan, thận, tuyến giáp,…
Xét nghiệm máu cũng giúp mẹ phát hiện những bệnh lý có thể lây truyền từ mẹ sang con như: viêm gan B, giang mai,… Việc xét nghiệm máu còn để xác định nhóm máu của mẹ để kiểm tra yếu tố Rh đồng thời có sự chuẩn bị kỹ phòng khi mẹ cần truyền máu khi sinh.
Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu dùng để tầm soát nguy cơ tiền sản giật, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc bệnh lý cầu thận. Bên cạnh đó, khi mang thai, mẹ bầu đi tiểu nhiều hơn nên cần xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra mẹ có vấn đề nào khác hay có bị tiểu đường thai kỳ hay không.
Một số chỉ số khác trong xét nghiệm nước tiểu nếu có bất thường cũng phản ánh tình trạng bất thường của mẹ. Ví dụ như nước tiểu quá cô đặc do mẹ bị thiếu nước… Tóm lại, xét nghiệm nước tiểu là một trong những loại xét nghiệm bắt buộc rất hữu ích để phát hiện các tình trạng bất thường gây ảnh hưởng xấu cho thai kỳ.
Xét nghiệm các bệnh nhiễm trùng
Các bệnh nhiễm trùng đặc biệt như: Rubella, viêm gan siêu vi B, C; bệnh lây truyền qua đường tình dục (giang mai, HIV) cần được phát hiện và điều trị kịp thời. Đây đều là những bệnh lý gây nhiều biến chứng nghiêm trọng cho thai kỳ.
Ví dụ nhiễm Rubella trong 3 tháng đầu thai kỳ có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Đây là một bệnh truyền nhiễm gần như không có triệu chứng rõ ràng. Bạn chỉ có thể xác định tình trạng nhiễm Rubella thông qua xét nghiệm máu. Nếu mẹ đã được tiêm chủng ngừa Rubella trước khi mang thai, thì hãy chủ động báo cho bác sĩ.
Xét nghiệm đường huyết
Xét nghiệm đường huyết cho bà bầu
Đây là một trong các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh để kiểm tra lượng đường huyết trong thai kỳ của mẹ bầu. Nếu mẹ bầu có lượng đường huyết quá cao và đang bị bệnh tiểu đường trong thai kỳ thì sẽ gây ra nhiều biến chứng khi sinh. Cụ thể như nhiễm trùng vết mổ, băng huyết… Vì thế, các xét nghiệm trước khi sinh về đường huyết sẽ giúp bác sĩ nắm rõ được tình trạng sức khỏe của mẹ và có sự chuẩn bị tốt nhất cho ca sinh. Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu mẹ chỉ nên uống nước lọc trong ngày thực hiện xét nghiệm.
Dưới đây là các bước thực hiện xét nghiệm đường huyết. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu máu trong từ tĩnh mạch khi mẹ bầu đói. Mẹ sẽ được uống một dung dịch glucose chuyên biệt. Tiếp tục lấy máu vào nhiều thời điểm khác nhau trong vài giờ để đo nồng độ glucose trong máu của mẹ.
Xét nghiệm CMV
CMV là một bệnh nhiễm trùng bào thai có thể lây truyền từ mẹ sang con. Đây là bệnh do virus Cytomegalo gây ra, trẻ bị nhiễm có thể để lại những biến chứng nguy hiểm như sọ nhỏ, điếc, trí tuệ kém phát triển. Vì vậy, đây là một xét nghiệm rất cần thiết để giúp mẹ bầu biết được mình có dấu hiệu nhiễm trùng bào thai hay không.
Xét nghiệm liên cầu khuẩn GBS
Liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) mặc dù không gây bệnh cho thai phụ, tuy nhiên nó có thể gây nhiễm trùng cho trẻ sơ sinh. Xét nghiệm tìm GBS được thực hiện vào khoảng tuần 36-38 thai kỳ, nhằm xác định tình trạng nhiễm GBS của thai phụ và lên kế hoạch điều trị kháng sinh trong chuyển dạ nhằm làm giảm nguy cơ nhiễm trùng cho trẻ sơ sinh.
3. Các xét nghiệm sàng lọc dị tật thai nhi
Việc thực hiện các xét nghiệm sàng lọc dị tật trước sinh kết hợp khám thai định kỳ, là cách để mẹ nắm được tình trạng của thai nhi. Đồng thời đây cũng là biện pháp để bác sĩ đánh giá những rủi ro, những bệnh di truyền, các dị tật bẩm sinh hay những biến chứng có thể xảy ra. Qua đó mẹ cũng như bác sĩ sẽ có một kế hoạch cụ thể để bé chào đời và những phương pháp điều trị nếu xảy ra vấn đề ở cả mẹ và bé.
Siêu âm
Siêu âm khám thai định kỳ
Siêu âm được thực hiện thường xuyên suốt thai kỳ của mẹ. Đây là phương pháp theo dõi thai kỳ sát sao và tiết kiệm nhất nhằm xác định các đặc điểm của thai như số lượng thai, tình trạng phát triển, hình thái giải phẫu, các cử động sinh lý của thai và sự tăng trưởng về kích thước của thai nhi theo thời gian. Ngoài ra siêu âm cũng giúp đánh giá các đặc điểm của bánh nhau, dây rốn, lượng nước ối và một số dị tật ở thai nhi (Đo độ mờ da gáy).
Double Test
Xét nghiệm máu được gọi là Double test, đo nồng độ một số chất trong máu mẹ (β-hCG và PAPP-A). Qua việc đánh giá các chỉ số này, kết hợp với kết quả siêu âm, Double Test có thể đánh giá nguy cơ thai nhi có mắc một trong 3 hội chứng Down, Patau, Edwards hay không, với tỷ lệ chính xác đạt khoảng 80%.
Triple Test
Đây là xét nghiệm máu sàng lọc hội chứng Down, Edwards và dị tật ống thần kinh ở thời điểm 15-22 tuần nếu bạn chưa thực hiện Double test ở 3 tháng đầu. Bên cạnh đó, mẹ có thể kết hợp kết quả của Double Test, Triple Test và siêu âm hình thái học (Combined test) để tính toán và cho ra một con số nguy cơ dị tật bẩm sinh cao hay thấp. Combined test có thể cho kết quả chính xác hơn so với các xét nghiệm đơn độc.
Xét nghiệm không xâm lấn NIPT
Xét nghiệm sàng lọc dị tật NIPT
Hiện nay, với sự phát triển và phổ biến của công nghệ gen, NIPT (cell-free DNA) cũng là một xét nghiệm sàng lọc dị tật bẩm sinh cho các bệnh lý lệch bội nhiễm sắc thể mà các thai phụ có thể chủ động lựa chọn ngay từ ban đầu hoặc khi có kết quả Double Test hoặc Triple Test nguy cơ cao. Xét nghiệm có thể thực hiện được ở thời điểm rất sớm, từ tuần thứ 9 của thai kỳ với tỷ lệ phát hiện lệch bội lên đến 99%.
Nếu thai phụ chọn NIPT là xét nghiệm sàng lọc đầu tiên thì có thể không cần tiến hành thêm Double Test và Triple Test.
4. Những lưu ý khi thực hiện các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh
Ngoài việc tìm hiểu về những xét nghiệm cần thiết cũng như những thời điểm cần xét nghiệm, mẹ cần chú ý một số vấn đề sau để có kết quả xét nghiệm đúng nhất.
- Tìm hiểu trước để có kiến thức chung về các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh.
- Chuẩn bị tinh thần, tâm lý thoải mái, sẵn sàng.
- Nếu có kết quả không tốt, hãy bình tĩnh và lắng nghe những phương pháp của bác sĩ để chăm sóc thai nhi tốt nhất.
- Chọn cơ sở xét nghiệm uy tín, chất lượng.
Đặc biệt đối với xét nghiệm sàng lọc trước sinh, mẹ bầu lưu ý không được bỏ qua xét nghiệm này. Một địa chỉ gợi ý cho mẹ để thực hiện xét nghiệm sàng lọc trước khi sinh NIPT là Trung tâm xét nghiệm GENVIET. Xét nghiệm NIPT tại GENVIET có thể thực hiện ngay từ tuần thai thứ 9 với độ chính xác đạt tới 99.98%. Hơn nữa, với dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, mẹ không cần tốn thời gian và công sức đi lại để đến tận nơi.
Thai kỳ khỏe mạnh là điều mong mỏi của tất cả các bậc cha mẹ, vì vậy, các xét nghiệm bắt buộc trước khi sinh nên được tìm hiểu kỹ lưỡng và thực hiện đầy đủ cha mẹ nhé!
>> Xem thêm:
- Các mốc xét nghiệm quan trọng khi mang thai
- Xét nghiệm dị tật thai nhi là gì? Cần làm xét nghiệm nào?
- Xét nghiệm sàng lọc trước sinh là gì? Có cần thiết không?
——————
TRUNG TÂM XÉT NGHIỆM GENVIET – HỆ THỐNG LẤY MÁU MIỄN PHÍ TẠI NHÀ TRÊN TOÀN QUỐC
Hotline: 0943.333.189
Fanpage: fb.com/Trungtamxetnghiemgenviet
Địa chỉ: 401 Xuân Đỉnh, Tây Hồ, Hà Nội