Nhắc mẹ lịch khám thai định kỳ đầy đủ và chi tiết nhất
Mang thai là hành trình thiêng liêng nhưng cũng nhiều lo toan đối với các mẹ bầu. Việc thăm khám thai định kỳ giúp mẹ theo dõi sức khỏe toàn diện cũng như được tư vấn chăm sóc sức khỏe đúng cách để giảm nhẹ nỗi lo lắng.
1. Lợi ích của khám thai định kỳ
Các mẹ bầu có thể theo dõi sức khỏe của cả mẹ và bé, đồng thời xử lý kịp thời các bất thường xảy ra. Không chỉ vậy, khám thai còn có rất nhiều ý nghĩa quan trọng:
- Giúp thai phụ nắm rõ tình hình phát triển của thai nhi thông qua các lần khám thai.
- Được tư vấn và hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng hay những điều cần tránh khi mang thai để chăm sóc thai kỳ khỏe mạnh và an toàn.
- Các kết quả xét nghiệm trong quá trình khám thai rất chính xác nhưng chỉ đúng trong một khoảng thời gian nhất định. Do đó, mẹ cần thăm khám thường xuyên để được thực hiện đầy đủ các xét nghiệm tầm soát cần thiết.
- Kết quả của một số nghiên cứu cho thấy những bà mẹ tuân thủ lịch khám thai định kỳ có tỷ lệ thai nhi tử vong thấp hơn 5 lần, và cân nặng của trẻ đúng tiêu chuẩn nhiều hơn khi được sinh ra.
2. Lịch khám thai định kỳ trong 3 tháng đầu
2.1. Lần khám thai đầu tiên
Thông thường khi que thử thai lên hai vạch. Đồng thời nhận thấy chậm kinh khoảng 2 tuần so với chu kỳ kinh nguyệt bình thường, các mẹ hãy chủ động đến cơ sở y tế để siêu âm và làm các xét nghiệm cần thiết. Mục đích nhằm xác định chắc chắn có thai hay không, và vị trí làm tổ của thai.
Thời gian: Lúc này thai nhi sẽ được khoảng 5 – 8 tuần tuổi.
Ở lần khám thai đầu tiên này, mẹ sẽ được chỉ định làm các xét nghiệm bao gồm:
- Xác định chỉ số BMI (dựa vào chiều cao và cân nặng): đánh giá bạn có bị thừa cân, béo phì hay không.
- Đo huyết áp: xác định có bị huyết áp cao, nguy cơ tiền sản giật hay không.
- Xét nghiệm nước tiểu: kiểm tra nồng độ hóc môn thai kỳ (hCG) nhằm xác định sự phát triển của thai nhi.
- Siêu âm: kiểm tra vị trí, tuổi của thai nhi nhằm phát hiện các bất thường, hoặc can thiệp sớm các tình huống mang thai ngoài tử cung để ngăn biến chứng nguy hiểm.
- Tính tuổi thai và ngày dự kiến sinh dựa vào ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối.
- Xét nghiệm máu: nhằm kiểm tra các bệnh truyền nhiễm như bệnh sởi, bệnh thủy đậu, viêm gan B, giang mai, HIV/AIDS,…
Bên cạnh đó, mẹ có thể nhận được tư vấn về dinh dưỡng, chế độ ăn uống và vệ sinh thực phẩm; Cách bổ sung acid folic nhằm ngăn ngừa các dị tật ở thai nhi; Tiền sử bệnh của mẹ và gia đình…
2.2. Lần khám thai thứ hai
Thời gian: thai nhi khoảng 8 tuần tuổi
Nếu ở lần khám thai đầu tiên bác sĩ siêu âm chưa thấy phôi vào tổ hoặc chưa có tim thai thì sẽ hẹn mẹ tái khám ở lần thứ hai. Mục đích nhằm kiểm tra toàn diện hơn để xác định lại tim thai, các vấn đề của phôi thai. Các xét nghiệm ở lần khám thứ hai về cơ bản giống với lần khám đầu tiên.
2.3. Lần khám thai thứ ba
Thời gian: tuần thai từ 10 – 13 tuần 6 ngày
Lần khám thai thứ ba là giai đoạn vàng để tầm soát, sàng lọc dị tật thai nhi trong thai kỳ. Bác sĩ sẽ tiến hành đo độ mờ da gáy, đánh giá các bất thường cấu trúc nếu có để kịp thời phát hiện các dấu hiệu của dị tật như vô sọ, hở thành bụng, thoát vị rốn, bất sản xương mũi, bất thường tim, bất thường não,…
Bên cạnh đó, có một số xét nghiệm máu đánh giá sâu hơn về bất thường nhiễm sắc thể thai phụ không nên bỏ qua bao gồm:
- Xét nghiệm Thalassemia: xác định có nguy cơ bị bệnh thiếu máu di truyền, hồng cầu bị vỡ sớm dẫn đến thiếu oxy hay không.
- Xét nghiệm Double test: đo nhịp tim của thai nhi và sàng lọc nguy cơ cho ba hội chứng Down, Patau, Edwards.
- Xét nghiệm sàng lọc NIPT: Nếu thai phụ chọn xét nghiệm NIPT thì không cần thực hiện thêm Double Test (11-13 tuần) hoặc Triple Test (16 – 18 tuần). NIPT có sự chính xác cao đạt tới >90% và khả năng sàng lọc lên tới 112 hội chứng di truyền, thực hiện ngay được từ tuần thai thứ 9.
Trong trường hợp các xét nghiệm máu như NIPT có nguy cơ mắc các bệnh di truyền, bác sĩ có thể chỉ định mẹ làm xét nghiệm sinh thiết gai nhau (CVS). Sinh thiết gai nhau được thực hiện sớm là từ tuần thứ 10 đến tuần thứ 13 của thai kỳ. Đây là một xét nghiệm xâm lấn nên tiềm ẩn nguy cơ gây sảy thai.
3. Lịch khám thai định kỳ trong 3 tháng giữa
3.1. Lần khám thai thứ tư
Thời gian: thai nhi từ 14 – 16 tuần tuổi
Thai phụ tiếp tục được siêu âm theo dõi sự phát triển của em bé trong bụng và phát hiện các dị tật bẩm sinh nếu có. Các xét nghiệm kiểm tra sức khỏe thông thường như xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm, …
3.2. Lần khám thai thứ năm
Thời gian: Khi thai nhi được 16 – 20 tuần tuổi
Mốc khám thai thứ năm cũng là mốc quan trọng để theo dõi sức khỏe của thai nhi và tiến hành xét nghiệm các dị tật bẩm sinh chính xác hơn.
Những xét nghiệm quan trọng ở giai đoạn này là:
- Siêu âm hình thái thai nhi giúp phát hiện sớm những bất thường hình thái ở thai nhi;
- Chỉ số BMI
- Kiểm tra huyết áp
- Xét nghiệm nước tiểu: nhằm kiểm tra nồng độ đường máu, protein để tầm soát dấu hiệu của đái tháo đường thai kỳ và nguy cơ tiền sản giật
- Tầm soát dấu hiệu dọa sinh non bằng việc đo chiều dài kênh cổ tử cung. Trong trường hợp phát hiện thai nhi có dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm chuyên sâu khác để kiểm tra chính xác hơn như chọc ối.
3.3. Lần khám thai thứ sáu
Thời gian: thai nhi từ 20 – 24 tuần tuổi
Giai đoạn này em bé đã gần như hoàn thiện về hình thái mà bác sĩ có thể quan sát được qua siêu âm. Do đó, thai phụ sẽ được kiểm tra hình thái thai nhi, tầm soát các bất thường (tim, chân tay, bụng, xương, não, cột sống, thận) và kiểm tra vị trí bám của nhau thai, lượng nước ối.
Các xét nghiệm về cơ bản giống với lần khám thai thứ năm.
3.4. Lần khám thai thứ 7
Thời gian: thai nhi từ 24 tuần – 27 tuần 6 ngày
Giai đoạn này một số thay đổi bất thường trên cơ thể mẹ có khả năng ảnh hưởng đến thai nhi. Mẹ sẽ được kiểm tra cân nặng, xét nghiệm nước tiểu, theo dõi huyết áp và các kiểm tra cần thiết để theo dõi sự phát triển của thai nhi tương tự như các lần khám thai trước đó.
Một xét nghiệm quan trọng ở lần khám thai này là nghiệm pháp dung nạp đường để tầm soát nguy cơ đái tháo đường thai kỳ.
4. Lịch khám thai định kỳ trong 3 tháng cuối
4.1. Lần khám thai thứ 8
Thời gian: Thai nhi từ 28 – 36 tuần tuổi
Ở tuần thứ 28-32, sau khi được đo cân nặng, huyết áp, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm tim thai… mẹ sẽ được làm siêu âm nhằm xác định ngôi thai và hướng dẫn xoay ngôi thai, kiểm tra cổ tử cung xem có dấu hiệu sắp sinh hay chưa.
Bên cạnh đó, mẹ cần tiếp nhận tiêm phòng uốn ván cuống rốn 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 1 tháng để phòng bệnh uốn ván cho bé.
Nếu cơ thể mẹ có bất cứ dấu hiệu bất thường nào như xuất huyết âm đạo, đau bụng hoặc thai máy yếu… cần đến bệnh viện ngay để kiểm tra. Đây có thể là dấu hiệu của các biến chứng sản khoa nguy hiểm như nhau tiền đạo, rau cài răng lược, suy thai, dọa xảy…
4.2. Lần khám thai thứ 9
Thời gian: thai nhi từ 36 – 40 tuần tuổi
Lúc này, mẹ bầu sẽ được hẹn tái khám mỗi tuần để bác sĩ đánh giá sức khỏe thai thông qua kết quả siêu âm và đo tim thai, đồng thời đánh giá cổ tử cung, khung chậu của mẹ để xác định mẹ có khả năng sinh thường hay không.
Hành trình mang thai 9 tháng 10 ngày mẹ bầu nào cũng mong được suôn sẻ thuận lợi, cán đích thành công. Vì vậy, mẹ đừng quên lịch khám thai định kỳ để bảo vệ thai kỳ an toàn và khỏe mạnh nhé!
>>> Có thể bạn quan tâm:
- Bật mí 6 món ăn giảm ốm nghén hiệu quả nhất cho mẹ bầu
- Danh sách thực phẩm giàu axit folic cho bà bầu
- Hướng dẫn cách cân đối dinh dưỡng trong thai kỳ
———
GENVIET
Hệ thống: lấy máu miễn phí tại nhà trên toàn quốc
Hotline: 0943 333 189
Địa chỉ:
- Cơ sở 1: 401 Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
- Cơ sở 2: Lê Văn Hiến, Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng
- Cơ sở 3: Cạnh Bệnh viện nhi đồng 1, Phường 15, Quận 10, Hồ Chí Minh