:

NHU CẦU VITAMIN VÀ KHOÁNG CHẤT CẦN THIẾT CHO BÀ BẦU

NHU CẦU VITAMIN VÀ KHOÁNG CHẤT CẦN THIẾT CHO BÀ BẦU

Vitamin và khoáng chất có vai trò quan trọng, không thể thiếu đối với thai kỳ. Việc cung cấp dưỡng chất từ nguồn thực phẩm thường không đủ, vì thế mẹ bầu phải bổ sung thêm bằng thuốc hoặc thực phẩm chức năng. Tuy nhiên nếu lạm dụng vi chất dinh dưỡng (thường gọi là thuốc bổ) sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

1. Nhu cầu vitamin và khoáng chất cần thiết cho bà bầu 

  •  Canxi

Canxi là thành phần cấu tạo nên hệ xương và răng, đồng thời có vai trò đảm bảo hệ thần kinh và hoạt động lưu thông máu diễn ra bình thường. Đối với phụ nữ mang thai, canxi là dưỡng chất không thể thiếu hình thành nên khung xương cho thai nhi. Nếu không được cung cấp đủ canxi, thai nhi sẽ tự “rút” canxi từ cơ thể của người mẹ để phục vụ quá trình hình thành xương, hộp sọ.

Cách bổ sung canxi tốt nhất là sử dụng canxi từ thực phẩm. Sữa là nguồn cung cấp canxi tốt và an toàn cho thai phụ. Hàm lượng canxi trong sữa tương đối nhiều (100 – 120mg/100ml sữa nước pha chuẩn) và có khả năng hấp thụ cao. Ngoài ra, các loại hải sản như tôm, cua, ngao, sò và trứng có hàm lượng canxi cũng khá phong phú.

Nhu cầu vitamin và khoáng chất khuyến nghị trong thai kỳ

Nhu cầu khuyến nghị canxi ở phụ nữ có thai trung bình là 1200mg/ngày và có thể tăng lên đến 1500mg trong 3 tháng cuối của thai kỳ. Cụ thể, 3 tháng đầu cần 800mg canxi, 3 tháng giữa là 1200mg và 3 tháng cuối là 1500mg.

  • Sắt

Sắt đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành hồng cầu và cấu tạo nên enzym hệ miễn dịch, giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Thiếu sắt ở phụ nữ mang thai có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như thiếu máu, tăng nguy cơ sinh non, nhẹ cân, suy dinh dưỡng bào thai, ảnh hưởng đến sự phát triển thể lực và trí lực của trẻ sau này. 

Sắt có nhiều trong thịt màu đỏ, trứng, trong đậu đỗ các loại, vừng lạc và các rau củ màu xanh đậm. Trong đó nguồn gốc động vật được coi là nguồn hấp thu sắt tốt hơn so với thực vật. Một người bình thường có thể hấp thu được 10 – 15% sắt từ động vật, trong khi con số này chỉ đạt 5 – 10% sắt ở thực vật.

Thông thường, một phụ nữ cần ít nhất 15mg sắt mỗi ngày trước khi mang thai. Đến khi có thai, nhu cầu sắt của mẹ tăng lên gấp đôi, khoảng 30mg/ngày.Thai phụ bị thiếu sắt có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu ảnh hưởng đến cả sức khỏe của thai nhi.

  • I – ốt

Vai trò của Iot đối với cơ thể người nói chung và phụ nữ mang thai nói riêng là rất quan trọng. Tuyến giáp sử dụng i-ốt để sản xuất hormone kiểm soát sự trao đổi chất và thúc đẩy tăng trưởng cơ thể. Trong thai kỳ, nhu cầu i-ốt tăng lên khoảng 50%, đáp ứng nhu cầu hormone tuyến giáp của cả mẹ và thai nhi. Điều này là quan trọng để đảm bảo sức khỏe và phát triển đầy đủ của cả hai.

Thiếu I-ốt làm tuyến giáp tăng nhanh về kích thước, gây phì đại tuyến giáp hoặc bướu cổ. Thiếu iot còn ảnh hưởng rõ rệt đến tăng trưởng và phát triển, đặc biệt là não bộ của thai nhi; khả năng sản xuất hormone ở người mẹ, gây khó khăn cho thai phụ trong việc nhai nuốt, dẫn đến suy giáp gây tăng cân, mệt mỏi, chịu lạnh kém, trầm cảm.

Để phòng ngừa nguy cơ thiếu i-ốt trong thai kỳ, nhu cầu khuyến nghị I-ốt ở phụ nữ có thai là 220 mcg/ngày. 

Có rất nhiều loại thực phẩm chứa iốt một cách tự nhiên cho mẹ tham khảo bao gồm: Hải sản, rong biển, sữa và sản phẩm từ sữa, trứng, hạt óc chó, thịt bò, thịt gà và các loại hoa quả như cà chua, dưa chuột…

  • Vitamin A

Vitamin A có tác dụng bảo vệ thị lực, thúc đẩy sự phát triển và duy trì tế bào, hỗ trợ hệ miễn dịch, tăng cường sức khỏe răng và xương giúp cho trẻ có chiều cao tối đa theo tiềm năng. Thiếu vitamin A sẽ làm tăng tỉ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng và tử vong, gây khô mắt, có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn nếu không được điều trị.

Người phụ nữ có thai cần đảm bảo đủ vitamin A trong suốt thời gian mang thai. Tuy nhiên, vitamin A liều cao trong thai kỳ có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Do đó, thai phụ tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc bổ sung vitamin A nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.

Vitamin và khoáng chất rất cần thiết cho một thai kỳ khỏe mạnh

Sữa, gan, trứng… là nguồn vitamin A động vật, dễ dàng hấp thu và dự trữ trong cơ thể để dùng dần. Các loại rau xanh, nhất là rau ngót, rau dền, rau muống và các loại củ quả có màu vàng, màu đỏ như cà rốt, đu đủ, xoài, bí đỏ. Đây đều là những loại rau củ quả chứa nhiều dưỡng chất chuyển hóa thành vitamin A.

Lượng vitamin A cho bà bầu tối đa không quá 3000 mcg RAE (10000 IU)/1 ngày hoặc 7500 mcg RAE (25000 IU)/ 1 tuần. 

  • Vitamin D

Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc hấp thu và chuyển hóa các chất khoáng cần thiết như canxi và phospho cho cơ thể. Khi phụ nữ mang thai thiếu vitamin D, có thể dẫn đến vấn đề còi xương cho thai nhi ngay trong bụng mẹ hoặc thời gian thóp kéo dài khi trẻ mới sinh. 

Bà bầu nên dành thời gian tận hưởng ánh nắng mặt trời khoảng 20-30 phút/ngày hoặc bổ sung vitamin D theo hướng dẫn của bác sĩ,kết hợp cùng các thực phẩm giàu vitamin D như pho mát, cá, trứng, sữa.

Nhu cầu khuyến nghị Vitamin D ở phụ nữ có thai là 20mcg/ngày.

  • Axid folic (vitamin B9)

Axit folic tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất máu và hình thành ống thần kinh. Bà bầu bổ sung đầy đủ lượng axit folic giúp giảm nguy cơ thiếu máu, khuyết tật ống thần kinh và khuyết tật não ở thai nhi. Ngoài ra, axit folic còn giúp phòng ngừa bệnh thiếu máu và có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ở người mẹ.

Axit folic có nhiều trong các loại trái cây, rau xanh, trứng… tuy nhiên lượng axit folic có trong thực phẩm thường không đáp ứng được nhu cầu cơ thể cần. 

Người mẹ cần bổ sung axit folic từ trước khi mang thai và kéo dài trong suốt thai kỳ với nhu cầu cao gấp 4 lần so với người bình thường. Tùy thuộc vào từng giai đoạn, hàm lượng axit folic hằng ngày cần có sẽ thay đổi tăng dần ở mức 400 microgram từ trước khi mang thai đến 3 tháng đầu thai kỳ và 600 microgram trong những tháng còn lại của quý 2 và quý 3.

Có thể bạn quan tâm:

2. Lưu ý khi sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung

Ngoài việc bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết qua đường ăn uống hằng ngày. Các viên uống thực phẩm chức năng bổ sung vitamin và khoáng chất cho bà bầu cần được sử dụng thêm theo chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc này có khả năng hấp thu cao nhưng mẹ nên nắm rõ một số lưu ý sau:

Nên uống các loại vitamin và khoáng chất vào thời điểm phù hợp để có hiệu quả cao nhất và tránh được các tương tác bất lợi.

Lưu ý khi sử dụng vitamin và khoáng chất

  • Các vitamin nhóm B: Đây là những vitamin có thể hòa tan trong nước, đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất của cơ thể, đặc biệt là quá trình chuyển hóa carbohydrate thành đường và chuyển hóa chất béo. Nhóm này giúp tăng cường năng lượng, giảm stress… Khi uống vitamin nhóm này nên uống vào buổi sáng, trước bữa ăn là tốt nhất, giúp tăng cường năng lượng vào ngày mới.
  • Vitamin C: Vitamin C nên được uống vào cùng bữa ăn sẽ hấp thu tốt nhất. Do vitamin C chỉ tồn tại trong máu vài giờ nên không sử dụng toàn bộ liều uống vào một thời điểm mà nên chia nhỏ liều tương ứng với các bữa ăn trong ngày. Trường hợp người bị đau dạ dày thì nên uống vitamin C sau bữa ăn. Không nên uống vitamin C quá muộn vào buổi tối, vì vitamin C có tính kích thích cao, gây khó ngủ.
  • Vitamin tổng hợp: Sau bữa ăn sáng hoặc trưa là thời gian thích hợp để uống vitamin nhóm B, C và vitamin tổng hợp. Hàm lượng chất béo trong bữa ăn sẽ giúp các vitamin và vi chất dinh dưỡng tan trong chất béo được cơ thể hấp thu một cách tốt nhất. Vitamin tổng hợp cũng có thể giúp gia tăng năng lượng để bắt đầu một ngày mới.
  • Các vitamin tan trong dầu như A, D, K, E: Nên uống trong bữa ăn vì lượng chất béo có trong bữa ăn sẽ hòa tan các chất này, giúp cơ thể hấp thu tối đa.
  • Canxi: Nên uống canxi vào buổi sáng (sau bữa ăn sáng khoảng 1 giờ) hoặc buổi trưa với nhiều nước, giúp chúng ta có cơ hội tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời (da tổng hợp vitamin D cho cơ thể), giúp hấp thu canxi hiệu quả cao hơn. Ngoài ra, khi bổ sung canxi, cần sự vận động của cơ thể để lượng canxi đưa vào có thời gian kịp chuyển vào đích là khung xương. Lưu ý không dùng canxi vào buổi chiều hoặc tối có thể làm canxi tích tụ lại, hình thành canxi oxalate dễ tăng nguy cơ gây sỏi thận, sỏi tiết niệu. Không nên bổ sung quá nhiều canxi trong một lần mà nên chia làm nhiều lần trong ngày.
  • Sắt: Sắt hấp thu tốt nhất khi dạ dày rỗng (lúc đói). Vì vậy, nên uống viên sắt trước bữa ăn 30 phút. Vitamin C có tác dụng giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn, do vậy có thể uống nước cam để tăng hấp thu chất sắt vào cơ thể. Cần tránh các thức uống gây kích thích như trà, cà phê, nước giải khát có gas vì chúng cản trở quá trình hấp thụ của sắt. Không uống sắt cùng với canxi vì các khoáng chất này cản trở sự hấp thụ lẫn nhau trong cơ thể, nên bổ sung vào những thời điểm khác nhau trong ngày.

———

GENVIET

Hệ thống: lấy máu miễn phí tại nhà trên toàn quốc

Hotline: 0943 333 189

? Địa chỉ:

Cơ sở 1: 401 Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

Cơ sở 2: Lê Văn Hiến, Khuê Mỹ, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng

Cơ sở 3: Cạnh Bệnh viện nhi đồng 1, Phường 15, Quận 10, Hồ Chí Minh

Tin Liên Quan

DMCA.com Protection Status