Các mốc xét nghiệm quan trọng khi mang thai

Trong suốt quá trình mang thai, mẹ bầu cần thực hiện khám thai định kỳ cũng như thực hiện đầy đủ các mốc xét nghiệm quan trọng khi mang thai. Nhờ đó, các mẹ có thể theo dõi chặt chẽ sức khỏe của bản thân cũng như sự phát triển an toàn của thai nhi. Dưới đây là các mốc xét nghiệm quan trọng khi mang thai mẹ bầu cần ghi nhớ nhé!

1. Các mốc xét nghiệm quan trọng khi mang thai

Cùng với lịch khám thai định kỳ, có một số xét nghiệm quan trọng thai phụ cần làm khi mang thai. Đây là những thông tin cần thiết giúp mẹ biết được tình trạng sức khỏe của bản thân cũng như theo dõi được sự phát triển và những bất thường của thai nhi. Nhìn chung, các mốc xét nghiệm quan trọng khi mang thai thường được chia thành 3 giai đoạn: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối của thai kỳ.

Mỗi giai đoạn sẽ có các xét nghiệm cần thiết, trong đó gồm 2 nhóm chính là:

  • Xét nghiệm sàng lọc: giúp đánh giá nguy cơ mắc bệnh của thai nhi.
  • Xét nghiệm chẩn đoán: nhóm xét nghiệm này có độ chính xác và tin cậy cao hơn nhóm xét nghiệm sàng lọc. Tuy nhiên do tiềm ẩn một số rủi ro cho thai kỳ nên thường được chỉ định cho các thai phụ có kết quả xét nghiệm sàng lọc trước đó có kết quả nguy cơ cao.

Đặc biệt, lần kiểm tra đầu tiên của mẹ thường được tiến hành ngay sau khi phát hiện có thai. Với lần khám thai đầu tiên này, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm 2D để xác định thai nhi nằm trong tử cung hay không, sau đó đo tim thai và chẩn đoán tuổi thai cũng như ngày dự sinh dự kiến cho mẹ bầu. Lưu ý, trong trường hợp xác định bạn đã có thai nằm trong tử cung, mà chưa thấy tim thai bạn cũng không nên quá lo lắng vì có thể thai nhi còn bé, việc xác định tim thai chưa rõ ràng, từ 7 – 8 tuần tim thai sẽ rõ hơn.

2. Xét nghiệm sàng lọc khi mang thai

Xét nghiệm sàng lọc trước sinh là các xét nghiệm được thực hiện trong thai kỳ để đánh giá nguy cơ thai nhi có một số dị tật bẩm sinh phổ biến. Các xét nghiệm sàng lọc trước sinh được thực hiện vào các thời điểm khác nhau của thai kỳ, bao gồm các xét nghiệm máu và kết hợp với kiểm tra siêu âm.

Siêu âm đo độ mờ da gáy

sieu-am-do-do-mo-da-gay-cho-thai-nhi

Tuần 11 – 14 của thai kỳ, siêu âm đo độ mờ da gáy là lần khám thai quan trọng mà thai phụ không nên bỏ qua. Việc siêu âm này giúp bác sĩ xác định xem thai nhi có gặp bất thường trong nhiễm sắc thể như hội chứng Down, bệnh lý tim bẩm sinh… hay các bệnh lý bất thường khác không. 

Nếu bỏ lỡ siêu âm trong tuần 11 – 14 thì thời gian sau đo độ mờ da gáy các chỉ số sẽ không còn chuẩn xác. Do đó, thai phụ nên chủ động thực hiện đo độ mờ da gáy cho con trong khoảng thời gian vàng này. Dựa vào kết quả siêu âm, bác sĩ có thể đưa ra các tư vấn hữu ích cho mẹ như cách bổ sung dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt, cũng như nên thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu nào nếu phát hiện bất thường.

Xét nghiệm Double Test

xet-nghiem-double-test-cho-thai-nhi

Double Test là xét nghiệm kiểm tra định lượng chỉ số β-hCG tự do và PAPP-A có trong máu người mẹ khi mang thai. Nếu chỉ số HCG tăng cao bất thường có thể đánh giá phát hiện một số bất thường đa thai (HCG quá cao). Bên cạnh đó, Double Test cũng được sử dụng để đánh giá nguy cơ mắc 3 hội chứng bao gồm Down, Patau, Edwards ở thai nhi, với tỷ lệ chính xác khoảng 80%.

Xét nghiệm được tiến hành khi thai nhi từ 11 tuần đến 13 tuần tuổi. Để đảm bảo kết quả không bị sai sót, bên cạnh việc đo hai chỉ số HCG và PAPP-A, Double Test cần phải được tính toán cùng với độ mờ da gáy (NT), chiều dài đầu mông (CRL) của thai nhi và một số thông số khác. Nếu kết quả Double Test cho nguy cơ cao, tiếp đó có thể làm xét nghiệm chọc dò ối để củng cố chẩn đoán.

Xét nghiệm Triple Test

xet-nghiem-triple-test-cho-thai-nhi

Xét nghiệm Triple Test có thể được tiến hành ở tuần thai thứ 15 – 20 tuần, tuy nhiên để đạt mức độ chuẩn xác, tốt nhất nên làm ở tuần 16 – 18 của thai kỳ. Tương tự như Double Test, xét nghiệm Triple Test cũng kiểm tra chỉ số HCG, bên cạnh đó kết hợp thêm 2 chỉ số thai kỳ khác là AFP (protein do thai nhi sản sinh), và Estriol (nội tiết estrogen được nhau thai và thai nhi sản sinh). 

Mục đích của xét nghiệm này nhằm xác định thai hiện tại có nguy cơ mắc các rối loạn bao gồm hội chứng Down (do thừa NST 21), hội chứng Trisomy 18 (do thừa NST 18), dị tật ống thần kinh. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra tư vấn có cần làm thêm những xét nghiệm chẩn đoán khác nữa không.

Xét nghiệm sàng lọc NIPT

xet-nghiem-nipt-cho-thai-nhi

Mặc dù thuộc nhóm xét nghiệm sàng lọc, nhưng không giống như các xét nghiệm khác, NIPT có độ chính xác rất cao, có thể tương đương với các xét nghiệm chẩn đoán như chọc ối đối ở hội chứng Down (>99.9%). 

Xét nghiệm NIPT dựa vào DNA tự do của thai nhi có trong máu mẹ để khảo sát bất thường số lượng trên toàn bộ 23 cặp nhiễm sắc thể của thai nhi. Do đó, số lượng hội chứng bẩm sinh mà NIPT phát hiện được tương đối rộng, trên 10 hội chứng bất thường và hơn 86 loại vi/mất lặp đoạn. 

So với 2 phương pháp sàng lọc sơ sinh truyền thống (Double Test, Triple Test) thì xét nghiệm NIPT có độ chính xác cao hơn hẳn (lên tới 99,98%). Hơn nữa, thời điểm thực hiện xét nghiệm này là rất sớm, ngay từ tuần thứ 9 cho đến hết thai kỳ. Trong trường hợp thai phụ chọn thực hiện xét nghiệm NIPT thì không cần thiết phải làm thêm Double Test và Triple Test ở các tuần thai tiếp theo.

3. Xét nghiệm chẩn đoán khi mang thai

Xét nghiệm chẩn đoán để phát hiện các dị tật bẩm sinh do khiếm khuyết trong gen hoặc nhiễm sắc thể gây ra. Xét nghiệm chẩn đoán dị tật bẩm sinh có thể được khuyến nghị nếu kết quả xét nghiệm sàng lọc cho thấy có nguy cơ dị tật thai nhi. Xét nghiệm chẩn đoán khi mang thai chỉ thực hiện khi có sự cho phép chi bác sĩ phụ sản, mẹ không được tự ý xét nghiệm. Đây là xét nghiệm xâm lấn đến mẹ và bé có nguy cơ sảy thai sau khi thực hiện.

Chọc ối

choc-oi

Chọc ối được tiến hành vào khoảng tuần thứ 18 bằng cách lấy một mẫu nước ối trong tử cung của sản phụ để làm xét nghiệm. Thông qua chọc dò nước ối, có thể phát hiện được hội chứng Down cũng như những rối loạn về nhiễm sắc thể, đặc biệt là đối với những sản phụ từ 35 tuổi trở lên. Tuy nhiên, đây là xét nghiệm yêu cầu thủ thuật xâm lấn nên sẽ tiềm ẩn một số rủi ro thai kỳ như rò ối, vỡ ối, sảy thai…

Sinh thiết gai nhau

sinh-thiet-gai-nhau

Được tiến hành lúc thai từ 11 đến 13 tuần tuổi và tương tự như chọc dò ối. Lấy mẫu màng nhau cũng có thể phát hiện những bất thường nhiễm sắc thể nhưng ít được sử dụng hơn chọc dò ối vì tỉ lệ sảy thai khi tiến hành xét nghiệm này là 1%. Vì vậy, chỉ khi nào thai phụ có ít dịch ối thì sinh thiết gai nhau mới được chỉ định.

Chọc dò cuống rốn

choc-do-cuong-ron

Xét nghiệm phân tích máu thai nhi qua cuống rốn để đánh giá tình trạng oxy thấp hoặc thai nhi bị thiếu máu. Ngoài ra, xét nghiệm này còn giúp khảo sát tình trạng phản ứng bất lợi của hệ miễn dịch mẹ lên thai nhi và một số bệnh lý như sởi, nhiễm toxoplasma, mụn rộp…

4. Các mốc xét nghiệm quan trọng khi mang thai khác

Giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ là thời điểm mẹ cần tiến hành nhiều loại xét nghiệm nhất. Ngoài những xét nghiệm sàng lọc đã nêu ở trên, một số xét nghiệm quan trọng khác ở giai đoạn này có thể kể đến là:

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu là một trong những xét nghiệm phổ biến khi mang thai. Thông qua đó, có thể phát hiện được người mẹ có nhiễm các loại virus như viêm gan B, hoặc nhiễm HIV hay không. Xét nghiệm máu còn xác định nhóm máu nhằm kịp thời bổ sung được máu truyền nếu sản phụ rơi vào tình trạng nguy kịch. Tình trạng thiếu máu của thai phụ cũng được biểu hiện qua kết quả xét nghiệm máu.

Xét nghiệm nước tiểu

Xét nghiệm nước tiểu có tầm quan trọng đặc biệt giúp bác sĩ xác định được tình trạng sức khỏe của mẹ bầu, đồng thời kiểm tra xem thai phụ có mắc tiền sản giật, nhiễm trùng đường tiểu không. Bằng phương pháp xét nghiệm đo lượng protein trong nước tiểu, Albumin và Nitrite mà bác sĩ phát hiện sớm những triệu chứng bất thường.

Xét nghiệm viêm gan B

Trước khi mang thai mẹ chưa tiêm phòng vắc xin viêm gan B hoặc trong gia đình có người bị viêm gan B thì mẹ sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện xét nghiệm này. Xét nghiệm này sẽ cho mẹ biết mẹ có bị nhiễm viêm gan B hay không và tình trạng nhiễm là cấp tính hay mãn tính. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy mẹ bị nhiễm vi rút viêm gan B, thì bác sĩ sĩ cho mẹ thực hiện thêm một vài xét nghiệm bổ sung để kiểm tra chức năng gan và tình hình sức khỏe chung của thai phụ. 

Xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm

Một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh lậu, giang mai nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, thì đứa trẻ sinh ra khi mắc bệnh lý này có thể dẫn đến mù lòa. Vì vậy, cần thực hiện xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm để ngăn chặn tình trạng này, đồng thời xử lý kịp thời bằng kháng sinh cho bé.

Ngoài ra, từ tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ, sản phụ nên nhớ thực hiện xét nghiệm tiểu đường thai kỳ để kịp thời kiểm soát những biến chứng nguy hiểm của bệnh nếu chẳng may mắc phải.

Để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh, tất cả thai phụ đừng quên các mốc xét nghiệm quan trọng khi mang thai nhé! Nếu bạn có thắc mắc nào thì hãy liên hệ ngay với GENVIET để được bác sĩ của chúng tôi tư vấn nhé!

>> Xem thêm:

——————

TRUNG TÂM XÉT NGHIỆM GENVIET – HỆ THỐNG LẤY MÁU MIỄN PHÍ TẠI NHÀ TRÊN TOÀN QUỐC

Hotline: 0943.333.189

Fanpage: fb.com/Trungtamxetnghiemgenviet

Địa chỉ: 401 Xuân Đỉnh, Tây Hồ, Hà Nội

Tin Liên Quan

DMCA.com Protection Status